Đám cưới bớt lễ nghi, cô dâu chú rể không chào bàn được không?

Bỏ bớt lễ nghi, riêng tư… là những xu hướng đám cưới người trẻ đang nhắm đến trong những năm gần đây.

Lạ lẫm với phụ huynh

Đầu tháng 8.2023, Huỳnh Ly (27 tuổi), ngụ tại P.Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi quyết định tổ chức đám cưới. Mặc cho phụ huynh la rầy vì hai vợ chồng Ly không chịu coi ngày lành tháng tốt để tổ chức. Cha mẹ và ông bà Ly muốn tổ chức lễ cưới vào tháng 11. Tuy nhiên, vì cuối năm là khoảng thời gian bận rộn của hai vợ chồng và nhiều đồng nghiệp khác. Ly đành phải ra sức thuyết phục gia đình cho mình làm đám cưới sớm.“Đến cuối năm công việc rất dồn dập. Ngoài ra, thời tiết sẽ không thuận lợi. Mình cũng rất áy náy vì đi ngược lại truyền thống gia đình, tuy nhiên, đám cưới là sự kiện quan trọng trong đời, mình cũng muốn được chủ động đưa ra quyết định”, Ly chia sẻ.

Gia đình Ly càng bực bội hơn khi Ly lên kế hoạch chia lễ cưới thành 2 buổi riêng biệt. Một buổi cho khách của gia đình. Buổi còn lại cho bạn bè của cô dâu chú rể. Ly tin rằng việc gộp chung giữa hai nhóm khách sẽ khiến đám cưới ít vui hơn. Bạn bè của con cái và cha mẹ có nhiều cách giao tiếp khác nhau. Bên cạnh đó, cách ăn uống và “gu” ẩm thực cũng khác nhau. Vì vậy, sẽ dễ gây khó chịu cho cả hai bên nếu như làm chung.

Tiệc cưới của Ly diễn ra trên nền nhạc piano và violon. Nhưng cuối cùng ý tưởng âm nhạc bị thất bại vì quá ồn. Dù kế hoạch diễn ra không hoàn hảo nhưng may mắn không có sự cố nào quá nghiêm trọng.

Theo chị Nguyễn Thị Thùy Linh, nhà sáng lập Lynh Thùy wedding team, người có hơn 10 năm làm việc trong nghề thiết kế hôn lễ, xu hướng tách biệt khách mời của các bạn trẻ khi làm đám cưới hiện nay đang tăng dần. Điều này đã giúp cho cô dâu chú rể và gia đình tránh được nhiều tình huống khó xử. Vì lễ cưới sẽ có nhiều phát sinh không lường trước được. Các bạn trẻ thường muốn vui chơi hết mình. Còn người lớn sẽ có xu hướng thăm hỏi, giao lưu nhẹ nhàng.

Ngày quan trọng trong đời, Trịnh Hoàng Thu (29 tuổi), ngụ tại P.Đại Phúc, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, muốn tổ chức một đám cưới riêng tư, ít khách. Một phần vì muốn chủ động 100% kinh phí tổ chức đám cưới. Một phần vì không muốn gia đình mời quá nhiều người chỉ để hoàn lại vốn cho những bữa tiệc hoành tráng, đắt đỏ.

“Ban đầu tôi rất phản đối việc rút hết khách mời. Nhưng nghĩ lại phải tính toán quá nhiều, làm sao để không vượt quá kinh phí đám cưới khiến gia đình rất đau đầu. Thực tế đám cưới người mừng thì ít, người chê thì nhiều. Rút gọn cũng là một cách để đám cưới của lớp trẻ trở nên nhẹ nhàng hơn. Sống hạnh phúc với đúng người đã chọn vẫn luôn là điều cha mẹ mong muốn con mình có được”, bà Ngô Thảo Tâm, mẹ của cô dâu Hoàng Thu tâm sự.

Ngày  cưới, Thu mặc đúng 1 bộ váy thuê với giá rẻ. Cả đám cưới chỉ tốn khoảng 100 triệu đồng. Tiệc cưới của Thu diễn ra suôn sẻ và nhiều niềm vui.

Tối giản để đỡ stress

Anh Lương Thanh Đông (31 tuổi), ngụ tại P.Dương Nội, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội, đã đi học và làm việc tại Thụy Sĩ được 8 năm. Anh đã được tham dự nhiều tiệc cưới của phương Tây tuy đơn giản nhưng rất vui vẻ, ít tốn thời gian và sức lực, cũng như tiền bạc. Vì vậy, khi tổ chức lễ cưới, anh Đông muốn gia đình bỏ bớt những phần lễ nghi.

Vào ngày cưới, anh Đông đã bỏ qua hoạt động chào bàn. Kết thúc tiệc cưới, gia đình anh Đông tỏ ra rất khó chịu vì không đi chào hỏi người lớn. Ở Việt Nam, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, cô dâu chú rể phải đứng chào từ cổng, đến khi lên sân khấu, sau đó phải đến từng bàn. Cuối cùng là chào từng người ra về, điều này làm cho anh Đông cảm thấy khá mệt mỏi. Vì vậy, anh quyết định bỏ bớt nghi thức.

“Việc chào hỏi đã diễn ra ở trên sân khấu. Cô dâu chú rể cũng đã được giới thiệu rõ ràng. Vì vậy, chuyện đi chúc từng bàn sẽ rất mất thời gian. Những người quen biết và thực sự muốn chúc phúc, sẽ đến bàn cô dâu chú rể để chúc. Đó là một văn hóa khiến nhiều người cùng vui”, anh Đông khẳng định.

 

Theo chị Nguyễn Thị Thùy Linh, có rất nhiều cô dâu, chú rể stress vì đám cưới. “Đôi khi nổi mụn trước ngày cưới cũng khiến cô dâu phát hoảng. Cần có người giúp họ có thể bớt lo lắng hơn. Quan trọng hơn cả, nếu không chú ý chi li, làm hôn lễ vừa đúng với chi phí thì người trẻ có thể bị chi quá tay và thiếu hụt tiền”, chị Linh nói.

Chị Linh cho biết thêm nhiều cô dâu chú rể trẻ muốn chụp ảnh phá cách hay muốn làm những thực đơn tiệc cưới độc lạ. Bên cạnh đó, người trẻ cũng có nhiều ý tưởng hôn lễ lung linh, mơ mộng. Nếu không có kinh nghiệm, sẽ không thể tự mình làm thành công. Không phải cô dâu chú rể nào cũng biết giao tiếp với người lớn tuổi. Nên việc thuyết phục cha mẹ, ông bà cần phải có sự nhẫn nại.

“Hôn lễ là một sự kiện trọng đại. Vì vậy, cần phải được tính toán kỹ lưỡng, chi tiết. Có rất nhiều cách để dung hòa sự khác biệt giữa các thế hệ. Nhưng cách tốt nhất là phải trò chuyện, tìm được điểm chung để ai cũng cảm thấy vui. Khi hôn lễ được diễn ra, điều quan trọng nhất là mọi thứ được trơn tru, không thiếu sót. Bên cạnh đó, cô dâu chú rể và cả gia đình không phải tốn quá nhiều sức lực, quá lo âu vì ngày vui của mình”, chị Linh bày tỏ.

Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Thị Phương Thảo, giảng viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cũng ủng hộ xu hướng đám cưới bớt lễ nghi. Bởi đám cưới truyền thống cần rất nhiều sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, người thân… Điều này làm nhiều người mệt mỏi.

“Đám cưới có thể tối giản trong cách thức tổ chức, chuẩn bị đồ cưới… nhưng cũng cần đầy đủ lễ nghi. Có những nghi lễ không thể bỏ qua như Cáo gia tiên (báo cáo cho tổ tiên biết gia đình có người mới). Vì “uống nước nhớ nguồn” là tinh thần rất quan trọng trong văn hóa người Việt”, thạc sĩ Phương Thảo đưa ra nhận định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TÙNG DƯƠNG WEDDING & EVENT

 

Địa chỉ: 45 Cam Lộ, Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng

Kết nối với chúng tôi:

Hotline: 0788.388.339
Chat zalo
Gọi điện